Do Thái Rabbi Thiên thần sa ngã

Dù cho khái niệm thiên thần sa ngã phát triển từ đạo Do Thái kể từ thời Đền thờ thứ hai, giới giáo sĩ (rabbi) Do Thái kể từ thế kỷ 2 trở đi đã quay lưng lại với các tác phẩm Hê-nóc. Động cơ khiến họ làm như vậy có thể là để ngăn cản các tín đồ thờ phượng và tôn kính thiên thần – một điều cấm kỵ trong tôn giáo độc thần. Cũng vì vậy cho nên trong khi nhiều thiên thần được nhân cách hóa, hay thậm chí được tôn kính trong thời kỳ Đền thờ thứ hai, địa vị của thiên thần về sau đã sụt giảm nghiêm trọng và chỉ còn là một loại sinh vật đứng ngang hàng với con người. Sự thay đổi này nhấn mạnh sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Giáo sĩ Shimon bar Yochai vào thế kỷ thứ 2 đã nguyền rủa tất cả những ai giải thích Những người con của Chúa là thiên thần. Ông tuyên bố rằng Những người con của Chúa trên thực tế là con của quan tòa hoặc con của quý tộc. Cái ác không còn được quy cho các thế lực trên trời, giờ đây nó được xem là "khuynh hướng tà ác" (yetzer hara) bên trong con người.[30] Tuy nhiên, những tường thuật về thiên thần sa ngã vẫn xuất hiện trong những tác phẩm của các giáo sĩ Do Thái đời sau. Trong một số Midrash (chú giải Kinh Thánh), "khuynh hướng tà ác" được quy cho Samael, người đảm nhận vai trò satan để thực hiện bài kiểm tra loài người.[31][32] Tuy nhiên, những thiên thần này vẫn phục tùng Thượng Đế. Việc thuật ngữ "thiên thần nổi loạn" một lần nữa được chấp nhận trong Midrash đời sau có lẽ bị ảnh hưởng bởi vai trò của thiên thần sa ngã trong những truyền thuyết Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.[33]

Trong tác phẩm aggadah-midrash (chú giải Kinh Thánh không được công nhận) Pirkei De-Rabbi Eliezer của Do Thái giáo, thiên thần sa ngã không chỉ có mỗi một mà là hai người. Vị đầu tiên được cho là Samael, người từ chối tôn kính Adam, cho rằng Thượng Đế ưu ái Adam hơn các thiên thần. Ông ta đã tiếp cận AdamEva để dụ dỗ họ làm điều sai trái. Câu chuyện này dường như bắt nguồn từ mô-típ sự sụp đổ của Iblis trong Kinh Qur'an và sự sụp đổ của Satan trong Kinh Hang Kho báu.[34] Trường hợp thứ hai phản chiếu lại những giai thoại Hê-nóc. Một lần nữa, "những người con của Chúa" được đề cập trong Sáng Thế Ký 6:1–4 được mô tả như những thiên thần. Và khi họ sa ngã, "sức mạnh và tầm vóc của họ trở nên giống như những đứa con của loài người" và cũng một lần nữa, người khổng lồ là kết quả của cuộc giao hợp giữa thiên thần và phụ nữ phàm trần.[34]

Kabbalah

Mặc dù không nói chính xác là sa ngã, thiên thần ác quỷ một lần nữa đã xuất hiện trong Kabbalah. Một vài vị trong số họ được đặt tên theo tên các thiên thần lấy từ tác phẩm Hê-nóc, chẳng hạn như Samael.[35] Theo sách Zohar ("Quang Minh thiên"), cũng giống việc thiên thần có thể được tạo ra từ đức hạnh, thiên thần độc ác là hiện thân của thói hư tật xấu con người. Cái ác bắt nguồn từ Qliphoth,[lower-alpha 4] đại diện của những thế lực không tinh khiết.[36]

Bên cạnh đó, Zohar cũng kể lại câu chuyện về hai thiên thần trong trạng thái sa ngã, được gọi là Aza và Azael.[37] Những thiên thần này bị trục xuất khỏi thiên đàng sau khi cho rằng Adam có thể có khuynh hướng làm điều sai trái.[38] Khi xuống nhân gian, họ hoàn thành câu chuyện Hê-nóc bằng cách dạy phép thuật cho con người và sinh con đẻ cái với họ, cũng như phối hợp với Lilith (người được gọi là "tội đồ").[39] Để trừng phạt thiên thần thi triển phép thuật, Thượng Đế đã buộc xiềng họ lại, nhưng họ vẫn giao cấu với nữ quỷ Naamah, kẻ sinh ra ma quỷ, ác linh và phù thủy.[38]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên thần sa ngã http://jewishencyclopedia.com/articles/10177-lucif... http://jewishencyclopedia.com/view.jsp?artid=24&le... http://www.sacred-texts.com/bib/bep/bep02.htm http://perseus.uchicago.edu/cgi-bin/philologic/get... http://www.almuslih.org/Library/Reed,%20A%20-%20Fa... //dx.doi.org/10.1163%2F1573-3912_ei3_COM_23204 //dx.doi.org/10.1163%2F9789004319288_008 //dx.doi.org/10.2307%2F25765960 //dx.doi.org/10.2307%2F3266192 //www.jstor.org/stable//j.ctt1dxg867